Sau ngày nói dối (1/4) là ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ (2/4).
Nhưng nếu hầu hết biết về ngày nói dối và sẵn sàng tham gia vào trò chơi nói dối, thì không có nhiều người biết về hội chứng tự kỷ, lại càng ít ai thực sự quan tâm hoặc thấy bản thân cần làm gì đó cho thế giới của những người bị tự kỷ!
Dĩ nhiên là không thể trách người kia hay người nọ. Bởi, suy cho cùng thì tất cả họ đâu có lỗi gì trong chuyện nhà ai đó có một đứa trẻ bị tự kỷ.
Cũng giống như chẳng có lý nào để trách những trẻ tự kỷ rằng tại sao các em lại không chấp nhận dung nạp vào não của mình những mặc định của xã hội loài người. Bởi đơn giản là các em không thể hiểu được, không có cách nào để tự hiểu được những thứ đó mà thôi.
Vậy nếu đây là chuyện hai bên không hiểu nhau, thì với tư cách là số đông, chính những người không tự kỷ phải làm cho hai bên hiểu nhau hơn.
Thật may mắn, trong số gần 7,7 tỷ người trên hành tinh này, đã có những người tự thân nhận lấy trách nhiệm ấy!
Và trong ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ, tôi đã gặp những người như thế!
Họ đã bắt đầu bằng cách tìm hiểu về những đứa trẻ tự kỷ, để có thể xem những hành động bất thường của các em là bình thường. Họ kiếm trăm phương nghìn kế để đưa vào ý niệm của các em những điều các em cần phải hiểu và chấp nhận thực hiện vì chính lợi ích của các em.
Họ không ghét các em khi các em mãi vẫn không hiểu được điều họ muốn các em hiểu. Ngược lại, họ trách mình vẫn chưa hiểu hết được từng em, và kiên nhẫn đi lại con đường yêu thương từ đầu, những mong có thể phần nào trả các em về với cộng đồng.
Trong ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ, họ chỉ mong đợi một điều: làm cho những đứa trẻ tự kỷ có thể cảm thấy hạnh phúc!
Họ đã bắt đầu và vẫn đang tiếp tục, họ không cần lời cảm ơn, họ chỉ cần số đông còn lại cũng bắt đầu như họ…