Cha mẹ, thầy cô những người làm việc với trẻ rất cần đọc

15 Nguyên Tắc (15 Principles) của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ về Sự Khống Chế, Cô Lập Trẻ/Học Sinh Khuyết Tật ở Nhà Trường

1 2
3 4

Vào tháng 5 năm 2013, trước những áp lực nặng nề của nhiều hiệp hội bênh vực khuyết tật trong nước, cũng như của nhiều dự luật ở Hạ Viện (House bills) và Thượng Viện (Senate bills) về khống chế và cô lập ở học đường, cuối cùng, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đã đưa ra 15 nguyên tắc hay quan điểm có tính cách xây dựng, mong muốn và khuyến khích, nhưng không bắt buộc, các cơ quan giáo dục ở khắp 50 tiểu bang nên soạn thảo những kế hoạch can thiệp hành vi tích cực và giảm thiểu những biện pháp khống chế, cô lập có thể gây nên thương tích hay tử vong cho trẻ và học sinh khuyết tật như sau:

1) Nhà trường phải nỗ lực ngăn ngừa sự áp dụng những biện pháp khống chế và cô lập cứng rắn và nên thành lập một hệ thống can thiệp hành vi có hiệu quả (non-aversive effective behavioral system or PBIS) cho tất cả chuyên viên, giáo viên và học sinh trong những môi trường giáo dục, sinh hoạt nhằm giảm thiểu những hành vi nguy hiểm và tránh sự khống chế hay quản thúc học sinh một cách không cần thiết.

Hệ thống can thiệp hành vi có hiệu quả đòi hỏi các chuyên viên, giáo viên ở trường học phải được huấn luyện và biết phân tích, nhận định vì sao (why?), ai (who?), ở đâu (where?) đã xảy ra những hành động nguy hiểm và làm thế nào để giảm thiểu hay ngăn ngừa những hành động tiêu cực đó bằng cách:

a) Xem xét sự kiện qua hồ sơ lưu trữ ở trường.

b) Phỏng vấn phụ huynh và học sinh khuyết tật.

c) Cân nhắc những kế hoạch can thiệp hành vi hiện tại và nhận ra những tình huống nào khiến học sinh có những hành vi nguy hiểm.

d) Đề nghị những giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu những hành vi tiêu cực của học sinh một cách hợp lý mà không cần thiết phải xử dụng những biện pháp khống chế và cô lập đối với học sinh khuyết tật ở trường.

2) Nhà trường tuyệt đối không được xử dụng những công cụ trấn áp (mechanical restraint) hoặc các dược phẩm (drugs or medication) để khống chế sự di động tự do của học sinh, ngoại trừ đó là những công cụ hay dược phẩm cho phép được xử dụng bởi các bác sỹ hay các chuyên viên y tế có giấy phép hành nghề.

3) Nhà trường không được khống chế hay cô lập học sinh, ngoại trừ trường hợp học sinh có những hành vi nguy hiểm cho chính bản thân và cho người khác, hoặc sau khi những phương pháp can thiệp khác đã được áp dụng nhưng không có hiệu quả, và nhà trường phải chấm dứt ngay sự khống chế hay cô lập một khi hành vi nguy hiểm của học sinh giảm thiểu hay không còn ở mức độ đáng ngại.

4) Chủ trương hay chính sách của học khu về khống chế và cô lập phải bao gồm tất cả trẻ và học sinh, chứ không được dành riêng cho trẻ và học sinh bị khuyết tật.

5) Những phương pháp can thiệp hành vi do nhà trường áp dụng phải có sự bình đẳng và tôn trọng học sinh.

6) Sự khống chế và cô lập không được áp dụng như những hình thức kỷ luật hay trừng phạt (discipline or punishment), đe dọa (coercion), trả thù (retaliation), hoặc vì sự tiện nghi (convenience) cho giáo viên ở trường học.

7) Các giáo viên và chuyên viên không được khống chế hơi thở (breathing) hay hệ thống hô hấp, hoặc gây thương tích cho học sinh, chẳng hạn đè sấp mặt xuống đất (prone restraint).

8) Nhà trường phải truy xét những trường hợp một học sinh nào đó liên tục bị khống chế và cô lập trong lớp học. Nếu một học sinh có những hành vi nguy hiểm và thường xuyên bị khống chế hay cô lập thì nhà trường phải xét lại kế hoạch can thiệp hành vi cho học sinh đó. Nếu học sinh chưa từng được thẩm định và soạn thảo kế hoạch can thiệp hành vi (functional behavior assessment and behavior intervention plan) thì bắt buộc nhà trường phải tiến hành những thủ tục cần thiết nầy để giúp đỡ, chứ không phải nhằm vào mục đích trừng phạt hay áp dụng kỷ luật cứng rắn.

9) Sự can thiệp hành vi đối với học sinh có những hành vi nguy hiểm, dẫn đến hậu quả bị khống chế và cô lập, phải nêu rõ nguyên do hay mục đích của những hành vi nguy hiểm đó.

10) Tất cả các giáo viên, chuyên viên ở trường học cần được huấn luyện những phương pháp can thiệp an toàn và thích hợp thay cho sự cô lập và khống chế thô bạo và không cần thiết.

11) Trong trường hợp học sinh bị khống chế hay cô lập, các giáo viên và chuyên viên ở trường học phải thận trọng, liên tục quan sát, theo dõi (carefully and continuously and visually monitored) để bảo đảm cách thức sử dụng hoàn toàn thích hợp và an toàn cho học sinh đó, cho những học sinh khác, và cho cả giáo viên, chuyên viên ở nhà trường.

12) Hằng năm, nhà trường phải thông báo cho phụ huynh biết về chủ trương hay chính sách của tiểu bang, học khu về vấn đề khống chế và cô lập học sinh.

13) Sau khi học sinh bị khống chế hay cô lập, nhà trường phải thông báo cho phụ huynh biết càng sớm càng tốt.

14) Chủ trương hay chính sách của học khu về khống chế và cô lập phải được xem xét, điều chỉnh và bổ xung thường xuyên.

15) Nhà trường nên lập sổ ghi nhận (a written log of incidents) những hành vi đòi hỏi biện pháp khống chế hay cô lập đã xảy ra đối với học sinh, bao gồm sự giải đáp những câu hỏi như sau:

- Sự khống chế hay cô lập học sinh bắt đầu và chấm dứt vào lúc nào?

- Hành vi nguy hiểm của học sinh xảy ra ở đâu?

- Giáo viên hay chuyên viên nào đã áp dụng biện pháp khống chế hay cô lập đối với học sinh?

- Ngày và giờ nhà trường thông báo cho phụ huynh biết về sự khống chế hay cô lập đã xảy ra cho con em họ ở trường?

- Lý do vì sao học sinh có hành động nguy hiểm và dẫn đến hậu quả bị khống chế hay cô lập ở trường?

- Nêu rõ phương pháp khống chế hay cô lập nào đã áp dụng?

- Thương tích của học sinh gây nên bởi sự khống chế hay cô lập ở trường ra sao?

- Giáo viên hay chuyên viên nào là người đã trực tiếp quan sát, theo dõi trong thời gian học sinh bị khống chế hay cô lập ở trường?

- Và sau khi sự khống chế hay cô lập xảy ra, các giáo viên hay chuyên viên liên hệ đã hội thảo và có kế hoạch can thiệp hành vi cho học sinh đó hay chưa?

Dịch thuật:Danang Ho (phụ huynh)

Nguồn:15 Principles - U.S. Department of Education; Restraint and seclusion: Resource Document, Washington, D.C., 2012 – www.ed.gov/policy/restraintseclusion