CÓ MỘT NGÔI TRƯỜNG ĐẶC BIỆT DÀNH CHO TRẺ ĐẶC BIỆT

Trường Khai Trí dạy trẻ tự kỷ qua cách nhìn của 2 chuyên gia.

CÓ MỘT NGÔI TRƯỜNG ĐẶC BIỆT DÀNH CHO TRẺ ĐẶC BIỆT

Dr. Oleg Levashov & My Nguyen

(Viện nghiên cứu Thần kinh Liên bang Nga và Trung tâm Dưỡng thân – Dưỡng tâm)

Chúng tôi đến trò chuyện với các thầy cô giáo của Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí vài ngày trước khi cả nước mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/2018. Đa số các thầy cô còn rất trẻ, nét mặt nụ cười tươi sáng bên cạnh sự dìu dắt của Ban giám hiệu và các giáo viên lớn tuổi có bề dày kinh nghiệm trong việc nuôi dạy các trẻ có hội chứng tự kỷ và các rối loạn phát triển khác.

Khi quyết định theo học ngành Giáo dục chuyên biệt này, chắc hẳn các thầy cô đã tự xác định “con đường dấn thân không bằng phẳng” của mình để cùng “các học trò đặc biệt” của mình lớn lên trên “con đường không phải lúc nào cũng êm xuôi”.

Vậy mà, chúng tôi nhìn thấy và cảm nhận được sức lực và tinh thần làm việc “không giới hạn” của các thầy cô và ban giám hiệu ở ngôi trường ấy.

Như chúng ta đã biết hội chứng tự kỷ và các rối loạn phát triển khác như tăng động giảm chú ý, chứng động kinh, chậm nói, chậm phát triển… đã làm cho các em học sinh này khó mà theo học được ở các trường bình thường vì các em bị khiếm khuyết bẩm sinh các chức năng giao tiếp ngôn ngữ, các tương tác xã hội, các rối loạn cảm giác và các hành vi bất thường. Các em cần một “ngôi trường đặc biệt” để giúp các em dần dần khắc phục những khiếm khuyết của mình và thời gian để khắc phục thật khác nhau đối với từng em một. Khi các thầy cô chia tay với một em học sinh nào đó ra trường để hội nhập vào trường bình thường, ắt hẳn đó là một ngày mà cả thầy cô và phụ huynh cảm thấy hạnh phúc nhất!

Trường Giáo duc chuyên biệt Khai Trí có 2 cơ sở: Cơ sở 1 bán trú ở số 214/25F đường Điên Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, và cơ sở 2 nội trú ở số 129 đường 511, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

Cả hai cơ sở bán trú và nội trú đều áp dụng các phương pháp giáo dục, luyện tập và trị liệu khác nhau nhằm “can thiệp sớm” các hội chứng rối loạn phát triển của các em ở những độ tuổi rất khác nhau và các mức độ rất khác nhau. Chúng tôi đánh giá thành công của Trường Khai Trí ở chỗ biết áp dụng “tổng hợp” các phương pháp giáo dục và trị liệu dựa trên nền tảng khoa học và tình yêu thương, lòng kiên nhẫn vô hạn của các thầy cô và các bậc phụ huynh.

Thấy rõ ràng đầu tiên là phương pháp giáo dục và luyện tập “Tâm vận động” trong bước can thiệp sớm này. Các phòng học rộng rãi thoáng mát với nhiều quả bóng và đồ chơi mềm mại tha hồ cho trẻ vận động thể chất dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Học mà chơi, chơi mà học giúp trẻ phát triển nhận thức, phát triển giao tiếp và tương tác với người khác. Không những học trong lớp mà còn rất nhiều trò chơi ngoài trời để trẻ thích ứng với nhiều không gian khác nhau. Và sau những giờ vận động, trẻ sẽ có những giờ học tĩnh lặng hơn như học vẽ, học nhạc, học phát âm, học số, học chữ...

Tiếng reo vui vẻ ở hồ bơi và vòi hoa sen phun nước chứng tỏ các em cảm thấy các rối loạn xúc giác của mình được phần nào giảm bớt theo “Thủy liệu pháp” của nhà trường. Trong làn nước mát, uốn lượn đuổi bắt các trái banh và vui đùa cùng với các bạn thật sự là niềm vui thật sự của các em.

Cơ sở 2 của trường ở Củ Chi có một khu vực rộng lớn nuôi chó, mèo, dê, cừu, thỏ, chuột lang, heo, bò và cá nữa. Khi cho các con thú cưng của mình ăn, ánh mắt của các em thật dịu dàng, các em “chưa chịu nói” nhưng các con vật “rất hiểu ý” các em. Hai thế giới “loài người” và “loài vật” gặp nhau ở đây theo “Động vật trị liệu” đã góp phần phát triển nhận thức và tình cảm của các em. Để thực hiện được cách trị liệu này, chúng tôi được biết là rất tốn kém vì phải có diện tích rộng rãi và các chuyên viên chăm sóc các vật nuôi. Dù biết đây là một trị liệu có ích nhưng không phải trường Giáo dục chuyên biệt nào cũng có điều kiện để thục hiện được như Trường Khai Trí.

Làm sao mà nhớ được cách gieo hạt, bón phân, tưới nước và thu hoạch rau trái, hoa quả theo “Nông nghiệp liệu pháp” đang được áp dụng ở đây??? Chúng tôi có thể hiểu đó là cả một quá trình kiên trì chỉ dẫn của các thầy cô cho các em học sinh. Và niềm vui khi thấy các em hiểu ra được và làm theo cũng tương tự như niềm vui của người nông dân được mùa thu hoạch lớn. Cả trường đầy cây xanh bóng mát và hoa trái có thể hái trên đường đi là thành quả không phải một sớm một chiều của thầy và trò ở đây.

Đối với trẻ bình thường cha mẹ phải mất không ít thời gian để tập cho các em biết tự đánh răng rửa mặt, tự đi tiểu tiện, tự mặc quần áo, tự xúc ăn, tự lập một số việc hàng ngày. Còn đối với trẻ bị mắc phải hội chứng tự kỷ và các rối loạn phát triển khác thì các việc trên gần như không thể “tự làm” được. Phối hợp với các phụ huynh, các thầy cô ở trường Khai Trí đã bỏ rất nhiều công sức và lòng kiên trì để luyện tập cho các em học sinh đặc biệt của mình để đến một ngày các vị khách mời như chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy một số em học sinh rất chững chạc tự phục vụ trong giờ ăn trưa của mình như dọn chén bát, thức ăn lên bàn ăn, gọn gàng thu gom chén bát sau khi ăn xong và còn biết rửa chén bát nữa. Tự lập từ những việc nhỏ nhặt các em sẽ tự lập trong những việc lớn hơn và khó khăn hơn.

Dạy trẻ tự kỷ và chậm phát triển biết sửa bàn ghế, sửa đồ chơi, sửa máy móc, lát gạch đường đi, dùng máy vi tính…, chắc là chuyện không thể tưởng tượng nổi???

Ở trường Khai Trí là chuyện có thực và đó chính là “Liệu pháp tiền hướng nghiệp” để giúp các em phát triển nhận thức, phát triển trí nhớ và tương tác xã hội tốt nhất. Đoàn thực tập của sinh viên khoa Giáo dục chuyên biệt đến từ nước Pháp nhiều lần phải khâm phục sự “sáng dạ đột xuất” của vài em học sinh ở đây khi cùng làm với các em. Đâu đó tiềm ẩn “một thiên tài” trong số các em, chúng ta đều tin như vậy!

Làm thế nào để các em học sinh của trường hội nhập vào xã hội như tên một con đường nội bộ của trường “Đường hòa nhập”??? Các em chỉ quanh quẩn trong trường hay có lúc nào đó đi ra ngoài như trẻ bình thường???

Nhà trường và các thầy cô hàng năm đều lên các kế hoạch để đưa học sinh “ra bên ngoài” như tập đi mua sắm trong siêu thị, đi chơi sở thú, đi chơi trong công viên, đi tham quan vườn trái cây, khu di tích lịch sử…Các kịch bản của các chuyến đi “hòa nhập” này đều có hướng dẫn tỉ mỉ để bảo đảm sự an toàn cho các em vì kiểm soát được hành vi của các em nơi công cộng là việc không hề dễ dàng.

Quá trình gần một thập niên hình thành và phát triển, trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí đã thu hút sự chú ý và hợp tác của rất nhiều tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học, trong đó có chúng tôi. Với tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, các thầy cô của trường cũng không ngừng học tập áp dụng những phương pháp luyện tập và trị liệu mới mẻ nhằm tìm ra cách tốt nhất để giúp các em bị mắc hội chứng tự kỷ và các chứng rối loạn phát triển khác khắc phục các khiếm khuyết của mình và hội nhập được với xã hội.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…” Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi xin kính tặng những bông hoa tươi thắm nhất cho Ban giám hiệu và các thầy cô của trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, những người đã chọn việc không nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa nhân sinh. Kính chúc Ban giám hiệu và các thầy cô luôn khỏe mạnh và giữ được ngọn lửa nhiệt huyết trong sự nghiệp giáo dục của mình!