THĂM ANH XÌ TRUM TÍ HON

Người viết: Bạn đồng nghiệp Tí Quạu

ti hon 1

ti hon 2

Hôm nay tôi và mấy bạn trong Ban văn nghệ (BVN) cũ lên thăm anh Huỳnh Ngọc Điền :Cựu trưởng BVN Đại học Nông nghiệp 4 với cái Nickname là Tí Hon (BVN tụi tui nuôi hoài không lớn nổi nên chết cái tên đến giờ chỉ thấy già chứ cũng hỏng thấy lớn chút nào) tại Trung Tâm GDCB Khai Trí cơ sở 2 ở Củ Chi, nơi dạy các em tự kỉ và hội chứng down. Vừa xuống xe bước chân vào cổng tôi đã thấy mấy em học sinh (ở lại trung tâm vì nhà xa, thường là ở tỉnh xa ,ba mẹ không tiện đón về nhà hàng tuần ) bước ra nhanh nhẩu tự giới thiệu tên mình, rồi chỉ anh Điền giới thiệu với chúng tôi “đây là ba Điền” còn cẩn thận giải thích rỏ ràng cho tôi hiểu là “thầy giáo Điền” và chào chúng tôi “con chào cô, chào chú, chào bác “Làm tôi ngạc nhiên thích thú vì chẳng thấy vẻ gì như người ta hay nói: nào là quá tăng động, nào là không quan tâm đến thế giới bên ngoài, nào là chúng hay âm thầm lặng lẽ, ngồi 1 góc....Ở nơi đây tôi thấy các em cũng chỉ hơi chậm chạp chút đỉnh thôi chứ về phương diện giao tiếp và kỉ luật cũng rất tốt. Có lẽ nơi đây có không gian rộng rãi, thoáng đãng lại gần gũi với thiên nhiên, các em cũng giống như nhau. Và điều tôi thấy hay nhất và thích nhất là những hoạt động tập làm việc chân tay ngoài trời: nào là trồng rau, cuốc đất, bắt cá, tập thể hình, bơi lội. Và chính những giờ hoạt động vừa tập cho các em biết làm việc mà lại giống như vui chơi này đan xen với việc giảng dạy văn hóa chẳng những góp phần làm chương trình học tập thêm phần phong phú mà còn giúp các em phát triển tốt về cả mặt thể lực lẫn trí não, mà cũng rất phù hợp với khả năng phát triển trí tuệ của các em.


Chúng tôi cũng lần đầu tiên gặp anh Huỳnh Tấn Mẫm (Người sáng lập trung tâm Khai Trí này) mà sao tự nhiên lại thấy gần gủi thân mật như đã quen lâu ngày, anh dắt chúng tôi đi khoe thành tích cây trái trong vườn mà nói cặn kẽ về cách trồng từng loại cây và giúp chúng tôi thu hoạch và ăn dùm mấy trái mít chín cây. Buổi gặp mặt thật vui ,chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện đời chuyện nghề mới thấy cái công việc của anh Mẫm, anh Điền, chị Thùy (Giám đốc trung tâm) và các giáo viên ở trung tâm một sự cao quý rất đáng để xã hội vinh danh và trân trọng. Dạy cho trẻ bình thường học đã khó, phải có trình độ sư phạm và bằng cấp tương ứng, thì với trẻ chậm phát triển thì càng khó gấp nhiều....nhiều ...lần..phải hiểu, phải biết cá tính của từng em một thì mới mong dạy được chúng và phải có một tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề thật cao cả mới chịu thương, chịu khó và cả chịu đựng những lúc trái khoáy của chúng được .
Bữa trưa của chúng tôi thật là không có cơm để mà ăn, chỉ có bún chả giò, lạp xưởng , riêng trứng vịt, nấm, đậu bắp và cả một trái mít chín cây thơm lừng chúng tôi mới thu hoạch và tiêu thụ.Vừa ăn vừa tám chuyện “hồi đó... và bây giờ...” anh Điền kể cho chúng tôi một chuyện vui, cười ra nước mắt: có lần anh đang lom khom làm việc, bổng một cú đấm như trời giáng vào lưng đau điếng, xây xẩm một lúc sau anh mới biết một cậu học trò (mười mấy tuổi, dáng vóc lớn hơn anh Tí Hon nhà ta nhiều) mới vừa “dọng” vào lưng với mười thần công lực và nói “con thương thầy Điền”. Báo hại anh Tí Hon đau lưng, tức ngực cả tuần lễ (kiểu này chắc cú lớn hổng nổi luôn. Đó chỉ mới là thương thôi, chứ còn những lúc không hiểu ý chúng hoặc có điều gì vô cớ làm chúng bực mình nữa thì chắc còn thấy cả trăng sao trên trời quá).
Một công việc đòi hỏi quá nhiều kỷ năng, sức chịu đựng, có tình thương yêu trẻ, thông hiểu các em và cả một thể lực tốt nữa.
Một lần nữa tôi phải nói là việc dạy học cho trẻ tự kỉ và hội chứng down là một nghề rất cao quý, rất đáng để cho xã hội trân trọng và vinh danh.
Ngày đầu xuân 28/2/2016