Chia sẻ kinh nghiệm can thiệp sớm cho trẻ Tự kỷ

Sáng Chủ nhật, ngày 30/09/2012, tại Trường Chuyên biệt Khai Trí, Trung Tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã tổ chức buổi Hội thảo: "Chia sẻ kinh nghiệm can thiệp sớm cho trẻ Tự kỷ".

Gần 100 phụ huynh, giáo viên đặc biệt và sinh viên Tâm lý có mặt từ sớm để tham gia buổi hội thảo. Đúng 9 giờ sáng, buổi Hội thảo đã diễn ra, BS. Phạm Ngọc Thanh đã trình bày khái lược về: bsthanhHội chứng Tự kỷ và Cáchcan thiệp cho trẻ Tự kỷ. Bác sĩ Thanh điểm qua những cách can thiệp có chứng cứ khoa học, phân tích những ưu điểm và nhược điểm của các phương pháp can thiệp để phụ huynh rõ hơn trong việc chọn lựa phương pháp phù hợp với con mình.

Sau phần trình bày, Bác sĩ Thanh điều phối phiên trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy, can thiệp trẻ Tự kỷ của các phụ huynh. Mở đầu phần chia sẻ, chị Kim Tâm – một phụ huynh có con tự kỷ được chẩn đoán từ khi 2 tuổi rưỡi (nay bé hơn 10 tuổi) đã có những chia sẻ về quá trình chăm sóc nuôi dạy, can thiệp cho con của mình, chị cũng nói về quá trình tìm hiểu, phối hợp cùng các nhà chuyên môn của cả gia đình để giúp trẻ phát triển. Nay bé đang học lớp 3, bé biết tự lập chăm sóc bản thân, học rất khá toán nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong các môn tiếng Việt và khoa học xã hội.

Các phụ huynh đã có cuộc trao đổi rất sôi nổi. Một phụ huynh thắc mắc về phương pháp Bấm huyệt giúp nói được của một lương y ở Bình Dương.Thắc mắc này đã được phụ huynh khác trả lời: vị này đã xác định phương pháp này chỉ giúp cho những người bị khiếm khuyết ngôn ngữ chứ không chữa được cho trẻ Tự kỷ nói. Bác sĩ Thanh bàn thêm về chẩn đoán phân biệt giữa Tự kỷ không có ngôn ngữ với Chậm nói đơn thuần và Trầm cảm ở trẻ em. Nếu Chậm nói đơn thuần hoặc Trầm cảm thì trẻ sẽ tiến bộ rất nhanh về ngôn ngữ trong một vài tháng nếu được can thiệp, có sự chăm sóc quan tâm của cha mẹ; còn Tự kỷ thì rất khó và lâu dài.

Một phụ huynh rất băn khoăn về phương pháp can thiệp của giáo viên đặc biệt đang dạy con mình, cô giáo không cho mình vào trong lúc can thiệp và không có sự trao đổi về bài tập đang dạy cho con. Thắc mắc được nhiều phụ huynh khác chia sẻ: cần có sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên, cần trao đổi để hiểu mục tiêu của các bài tập và dạy cùng bài tập đang được giáo viên dạy tại gia đình và các môi trường khác.

Phụ huynh khác hỏi có nên đưa cháu mình học hòa nhập trong trường bình thường hay không? Theo sự chia sẻ của Chị Kim Tâm và các phụ huynh: có thể cho trẻ có khả năng theo học hòa nhập và cũng cần có chương trình can thiệp đặc biệt cho trẻ thêm. Đặc biệt, phải hiểu trẻ đang ở giai đoạn nào, có khả năng và khó khăn trong lĩnh vực gì để biết cách can thiệp hiệu quả. Cha mẹ phải dành thời gian tương tác với trẻ, lên kế hoạch để liên tục kích thích trẻ phát triển ở tất cả các lĩnh vực. Nó vừa là cách giúp trẻ phát triển mà còn giúp trẻ có sự gần gũi thân tình với cha mẹ, người thân, học cách tương tác, giao tiếp với người khác.

Cô giáo Kim Nga đang công tác tại trường Chuyên biệt Gia Định chia sẻ, để trẻ "nghe lời" cha mẹ thì cha mẹ phải thấu hiểu nhu cầu của trẻ, có đáp ứng thống nhất với trẻ, tạo lập tương quan tốt đẹp và gần gũi với trẻ và không tạo ra áp lực liên tục lên trẻ.

Phụ huynh có con 4 tuổi thắc mắc: trẻ hay nói lảm nhảm, không tập trung thì phải làm thế nào? Một phụ huynh khác cũng có những băn khoăn tương tự: bé lăng xăng, hay dùng ngôn ngữ lạ, lặp lại, hay giật mình ban đêm. Các thắc mắc này nhận được sự chia sẻ của chị Kim Tâm: cần xem lại xem trước đó có dùng thức ăn, thức uống hay thuốc nào làm bé có những biểu hiện nói lảm nhảm hay lăng xăng, hay mất ngủ không. Cần xem lại thời gian ngủ của bé hợp lý chưa, để ý những điều kiện ảnh hưởng: nhiệt độ, bé có đói hay tè dầm không...Xem xét đi khám bác sĩ Thần kinh và dùng thuốc. Về ngôn ngữ lạ, lặp lại thì có thể dừng trẻ lại và chuyển từ nói một mình thành một cuộc giao tiếp trao đổi qua lại.

Bác sĩ Thanh cũng nhắc lại quan điểm: không phản đối dùng thuốc nhưng thuốc chỉ hỗ trợ cho các vấn đề đi kèm với rối loạn Tự kỷ: rối loạn hành vi, rối loạn giấc ngủ , động kinh...nhưng phải thận trọng vì tất cả thuốc đều có tác dụng phụ cho trẻ.

Tuy còn rất nhiều thắc mắc nhưng vì thời gian có hạn nên buổi hội thảo phải khép lại, Bác sĩ Thanh đã dẫn lời tổng kết buổi hội thảo và cung cấp các thông tin về các Hội thảo và buổi nói chuyện chuyên đề về Rối loạn Tự kỷ cho phụ huynh.

Trích từ website :http://www.giuptrephattrien.com